Bối cảnh đầu tư năng lượng tại Việt Nam: Cập nhật Kế Hoạch Thực Hiện Quy Hoạch Điện 8 và tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư

27/03/2025 17:00

1. Bộ Công Thương Bổ Sung 142 Dự Án Điện Mặt Trời Vào Kế Hoạch Thực Hiện PDP8

Ngày 05 tháng 3 năm 2025, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 618/QĐ-BCT, phê duyệt cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Kế Hoạch Thực Hiện Quy Hoạch Điện 8) bằng cách đưa 142 dự án điện mặt trời đã vận hành thương mại đến ngày 13 tháng 1 năm 2025 vào Quy Hoạch Điện 8.[1]

Việc cập nhật này được thực hiện theo Nghị quyết số 233/NQ-CP, ngày 10 tháng 12 năm 2024, do Chính phủ ban hành nhằm tháo gỡ những khó khăn mà các dự án năng lượng tái tạo phải đối mặt, được xác định trong báo cáo kết luận của Thanh tra Chính phủ vào năm 2023.[2] Báo cáo đặt vấn đề về việc đưa 154 dự án điện mặt trời – với tổng công suất 13.837 MW - vào kế hoạch phát triển điện mà không có cơ sở pháp lý rõ ràng, đồng thời chỉ ra rằng 123 dự án trong số này đã làm gián đoạn đáng kể hệ thống điện quốc gia, làm mất cân đối cơ cấu nguồn điện và dẫn đến việc phân bổ tài nguyên không hiệu quả. 142 dự án hiện đã được phê duyệt theo Quyết định số 618/QĐ-BCT là một phần của số dự án này này, được bổ sung lại lại vào Kế Hoạch Thực Hiện Quy Hoạch Điện 8 là giải ph áp để ngăn chặn lãng phí nguồn lực và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư.

Danh mục cập nhật này bao gồm nhiều trang trại năng lượng mặt trời quy mô lớn với tổng công suất khoảng 9.500 MW. [3] Kế Hoạch Thực Hiện Quy Hoạch Điện 8 quy định cụ thể tên dự án, công suất và địa điểm đến địa bàn cấp tỉnh, theo đó, địa điểm thực hiện dự án chính xác được xác định trong quá trình phê duyệt đầu tư hoặc nghiên cứu tiền khả thi, còn địa điểm xây dựng của dự án được hoàn thiện trong báo cáo nghiên cứu khả thi, theo quy định pháp luật về đầu tư.

 

2. Dự Thảo Sửa Đổi Thủ Tục Đấu Thầu Và Tiêu Chí Lựa Chọn Nhà Đầu Tư Dự Án Điện

Ngày 14 tháng 2 năm 2025, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 27[4] (Dự Thảo Sửa Đổi) để lấy ý kiến đóng góp từ toàn dân. Dưới đây là các cập nhật chính trong Dự Thảo Sửa Đổi.

2.1. Phù hợp với những thay đổi pháp lý gần đây

Dù được ban hành ngày 21 tháng 11 năm 2024, Thông tư 27 đã trở nên lỗi thời sau khi Quốc hội thông qua Luật Điện lực 2024 vào ngày 30 tháng 11 năm 2024.[5] Dự Thảo Sửa Đổi phù hợp với các quy định pháp luật mới, đặc biệt là về tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương; loại dự án điện đủ điều kiện đấu thầu; mẫu hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) phù hợp với từng loại dự án khác nhau.

2.2. Tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả đầu tư phát triển ngành điện

Theo Điều 6 Thông tư 27 hiện hành, tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả đầu tư phát triển ngành điện (Tiêu Chuẩn Hiệu Quả Ngành) được đánh giá chủ yếu dựa trên giá điện, bị hạn chế bởi khung giá của Bộ Công Thương.[6] Tiêu Chuẩn Hiệu Quả Ngành cho ba loại dự án riêng biệt hiện được tách biệt bởi Điều 6 sửa đổi, theo đó có những khác biệt sau. 

  1. Dự Án Có Khung Giá Do Bộ Công Thương Ban Hành: Giá điện của các dự án được sử dụng để đánh giá Tiêu Chuẩn Hiệu Quả Ngành. Cách đánh giá này tương tự với quy định Thông tư 27 hiện hành.
  2. Dự Án Không Có Khung Giá: Tiêu Chuẩn Hiệu Quả Ngành được đánh giá dựa trên giá trị tối thiểu bằng tiền nộp ngân sách nhà nước hằng năm, theo đề xuất trong hồ sơ dự thầu. Khoản đóng góp này không được thấp hơn giá trị tối thiểu quy định trong hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa biết chỉ số nào sẽ được sử dụng để xác định khoản đóng góp tài chính tối thiểu hàng năm và mức đóng góp này sẽ được thiết lập hợp pháp như thế nào. 
  3. Dự Án Theo Cơ Chế HĐMBĐTT: Đối với các dự án có hoặc không có khung giá và sử dụng cơ chế Hợp Đồng Mua Bán Điện Trực Tiếp (HĐMBĐTT) thì thời hạn tối đa của HĐMBĐTT thực hiện mua bán điện với bên mua điện là một tiêu chuẩn bổ sung, chiếm tỷ trọng 20% tổng số điểm tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả đầu tư. Sau HĐMBĐTT, các dự án này phải tham gia thị trường điện cạnh tranh. Bộ Công Thương dự kiến sẽ ban hành hướng dẫn thêm về vấn đề này.

2.3. Điều kiện dự án và HĐMBĐ áp dụng

Danh sách các dự án thuộc phạm vi Điều 17.1 của Nghị định 56[7] hiện được dẫn chiếu đến trong Dự Thảo Sửa Đổi. Trong trường hợp hai hoặc nhiều nhà đầu tư muốn phát triển một dự án cụ thể, việc đấu thầu phải được tổ chức để lựa chọn nhà đầu tư. Các dự án bao gồm:

  1. Các dự án nhiệt điện, bao gồm các dự án nhiệt điện than, nhiệt điện khí; và
  2. Các dự án năng lượng tái tạo bao gồm các dự án năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, điện sinh khối.

Dự thảo hợp đồng mua bán điện đính kèm với hồ sơ đấu thầu sẽ sử dụng các mẫu phù hợp với từng nguồn điện:

  1. Các dự án khí thành điện và hầu hết các dự án năng lượng tái tạo (không bao gồm các dự án dưới đây) được lập dựa trên cơ sở nội dung chính quy định tại Phụ lục III của Thông tư 12.[8]
  2. Các dự án năng lượng tái tạo nhỏ (thủy điện ≤ 30 MW) sử dụng Phụ lục IV Thông tư 10.[9]
  3. Các dự án điện sinh khối thực hiện theo Phụ lục I Thông tư 44 đã được sửa đổi.[10]

2.4. Thời điểm có hiệu lực và điều khoản chuyển tiếp

Dự Thảo Sửa Đổi dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2025, góp phần xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh cho phát triển dự án điện tại Việt Nam, với các quy định chuyển tiếp cụ thể như sau:

  1. Đối với dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu trước khi Dự Thảo Sửa Đổi có hiệu lực thi hành thì hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định mới.
  2. Đối với các dự án đã có hồ sơ mời thầu theo Thông tư 27 nhưng chưa hoàn tất việc lựa chọn nhà đầu tư tính đến ngày Dự Thảo Sửa Đổi có hiệu lực thì áp dụng một trong hai trường hợp: 
  1. Nếu đã nhận được hồ sơ dự thầu, việc đánh giá tiếp tục dựa trên hồ sơ mời thầu đã phát hành trước đó; và
  2. Nếu chưa nhận được hồ sơ dự thầu, thời gian đóng thầu có thể được gia hạn và các hồ sơ mời thầu có thể được sửa đổi để phù hợp với Dự Thảo Sửa Đổi.

 

3. Ý nghĩa pháp lý

Các cập nhật liên quan đến Kế Hoạch Thực Hiện Quy Hoạch Điện 8 và quy trình đấu thầu đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Việc bổ sung 142 dự án năng lượng mặt trời thể hiện cam kết của Chính phủ theo Nghị quyết số 233/NQ-CP trong việc tháo gỡ vướng mắc về năng lượng tái tạo trong quá khứ, đồng thời củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Trong khi đó, các tiêu chuẩn sửa đổi của Dự Thảo Sửa Đổi có thể làm gia tăng cạnh tranh trong quá trình phê duyệt dự án, buộc các nhà đầu tư phải chứng minh khả năng tài chính, tính bền vững và mô hình dự án tối ưu. Vì Dự thảo Sửa đổi vẫn đang được xem xét và có thể thay đổi, các bên liên quan cần theo dõi sát sao nhằm kịp thời cập nhật.

 

Hãy đón chờ những cập nhật tiếp theo của chúng tôi liên quan đến các cập nhật này. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với đội ngũ của chúng tôi để được hỗ trợ.


Tải bản tin về máy tại đây: Updates to the PDP8 Implementation Plan and Investor Selection Criteria  - Legal Update (VN) - March 2025.pdf


[1] Quy Hoạch Điện 8 là Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo Quyết định số 500/QĐ-TTg được ban hành ngày 15 tháng 5 năm 2023.

[2] Kết luận kiểm tra số 1027/KL-TTCP ngày 28 tháng 4 năm 2023 của Thanh tra Chính phủ về thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trogn quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện 7 và Quy hoạch điện 7 điều chỉnh.

[3] Công suất của các dự án khác nhau được trình bày khác nhau bằng các con số khác nhau tính bằng MW hoặc MWp. Do đó, chúng tôi có thể ghi nhận tổng công suất của 142 dự án điện dưới dạng con số gần đúng.

[4] Thông tư số 27/2024/TT-BCT ngày 21 tháng 11 năm 2024 của Bộ Công Thương quy định về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư công trình năng lượng (Thông tư 27).

[5] Vui lòng xem thông tin cập nhật pháp lý của chúng tôi về Luật Điện lực mới năm 2024 tại đây.

[6] Điều 49.2 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (Nghị định 115).

[7] Nghị định số 56/2025/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2025 quy định chi tiết một số điều của luật điện lực về quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đầu tư xây dựng dự án điện lực và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án kinh doanh điện lực (Nghị định 56).

[8] Thông tư số 12/2025/TT-BCT ngày 01 tháng 02 năm 2025 của Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá dịch vụ phát điện; nguyên tắc tính giá điện để thực hiện dự án điện lực; nội dung chính của hợp đồng mua bán điện (Thông tư 12).

[9] Thông tư số 10/2025/TT-BCT ngày 01 tháng 02 năm 2025 của Bộ Công Thương quy định về phương pháp xác định và nguyên tắc áp dụng biểu giá chi phí tránh được cho các nhà máy điện năng lượng tái tạo nhỏ; nội dung chính của hợp đồng mua bán điện (Thông tư 10).

[10] Thông tư số 16/2020/TT-BCT ngày 07 tháng 7 năm 2020 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 44/2015/TT-BCT ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Bộ Trưởng Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án, biểu giá chi phí tránh được và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện sinh khối (Thông tư 44).


 


Bài viết này chỉ cung cấp một bản tóm tắt về chủ đề được đề cập, mà không có bất kỳ nghĩa vụ nào do Công ty Luật Frasers chịu trách nhiệm. 

Bản tóm tắt không nhằm mục đích cũng như không nên dựa vào nó để thay thế cho lời khuyên pháp lý.