Luật Điện lực Việt Nam năm 2024
09/01/2025 12:00
Quốc Hội Việt Nam đã thông qua luật điện lực mới số 61/2024/QH15 vào ngày 30 tháng 11 năm 2024, sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2025 (Luật Điện Lực 2024), thay thế cho luật điện lực 2004 hiện hành (được sửa đổi tùy từng thời điểm). Luật này đánh dấu một bước ngoặt lớn và ghi nhận một sự tiến bộ đáng kể đối với ngành điện lực Việt Nam.
Luật Điện Lực 2024 làm rõ nhiều phạm vi áp dụng mới và tương đối rộng, đây là những vấn đề mà chưa được điều chỉnh bởi luật điện lực 2004 hiện hành. Những lĩnh vực này bao gồm phát triển năng lượng tái tạo trong đó có cả điện gió ngoài khơi, và các nguồn năng lượng mới; giá dịch vụ về điện nhằm chuẩn bị cho cơ chế giá điện hai thành phần; các dự án điện lực khẩn cấp; chủ trương để chấp thuận đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư cho dự án điện. Ngoài ra, việc tái khởi động phát triển năng lượng hạt nhân cũng được quy định là độc quyền của Chính Phủ Việt Nam. Do đó, chúng tôi cho rằng sẽ có nhiều quy định hướng dẫn mới nhằm cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện Luật Điện Lực 2024 mới.
Bản cập nhật pháp lý này tập trung vào những tiến bộ quan trọng trong khung pháp lý chung về việc phát triển các dự án phát điện sử dụng các nguồn năng lượng khác nhau.
Năng Lượng Tái Tạo và Năng Lượng Mới
Luật mới mở rộng định nghĩa về năng lượng tái tạo để bao gồm điện được sản xuất từ năng lượng mặt trời; năng lượng gió; năng lượng đại dương, gồm thủy triều, sóng biển, và hải lưu; năng lượng địa nhiệt; năng lượng từ sức nước; năng lượng sinh khối gồm nhiên liệu sinh học và các dạng năng lượng có nguồn gốc từ thực vật; năng lượng từ chất thải; và các dạng năng lượng tái tạo khác được quy định. Các nguyên tắc chính đối với việc phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới bao gồm:
- Phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo phải đồng bộ với cơ sở vật chất và hạ tầng sẵn có; ưu tiên phát triển các dự án phát điện quy mô lớn để hình thành các cụm nhà máy điện hoặc trung tâm năng lượng tái tạo;
- Khuyến khích phát triển điện gió và mặt trời tích hợp và gắn liền với hệ thống (pin) lưu trữ năng lượng (ESS) hoặc việc sản xuất hydrogen xanh, ammoniac xanh, những nguồn này đang dần trở thành những nguồn năng lượng mới và nguồn mang giữ và chuyển tải năng lượng quan trọng. Cần nhấn mạnh rằng việc phát triển các dự án năng lượng gió và các dự án năng lượng có kết nối với lưới điện quốc gia phải tuân theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia hoặc cấp tỉnh đã được phê duyệt, về phương diện tổng công suất phát điện (bao gồm cả công suất ESS); và
- Chuyển đổi cơ cấu nguồn điện theo hướng các-bon thấp và giảm phát thải khí nhà kính (KNK).
Cần có các hướng dẫn chi tiết hơn về việc phát triển ESS, các dự án sản xuất năng lượng mới; thiết lập và vận hành thị trường tín chỉ các-bon và/hoặc sàn giao dịch các-bon minh bạch; cũng như việc trao đổi hạn ngạch phát thải KNK, v.v., nhằm thực hiện và cụ thể hóa các mục tiêu nói trên trong phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
Một số ưu đãi được khuyến khích trong luật mới sẽ hỗ trợ việc triển khai và tích hợp phát triển các nguồn năng lượng mới. Các ưu đãi này bao gồm: (i) miễn hoặc giảm tiền sử dụng khu vực biển; (ii) miễn hoặc giảm tiền sử dụng và tiền thuê đất; và (iii) sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn cho dự án bán điện lên hệ thống điện quốc gia.[1] Việc đầu tư và phát triển các nhà máy điện gió ngoài khơi cũng được hưởng toàn bộ các ưu đãi này (xem thêm chi tiết bên dưới).
Điện Gió Ngoài Khơi
Theo Luật Điện Lực 2024 mới, dự án điện gió ngoài khơi được định nghĩa rõ ràng, với toàn bộ tua bin được xây dựng ngoài vùng biển 6 hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền về phía biển. Việc phát triển và đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi sẽ phục vụ các mục đích sau theo thứ tự ưu tiên: (a) cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia; (b) tự sản xuất và tự tiêu thụ, hoặc sản xuất hydrogen xanh, ammoniac xanh, hoặc đáp ứng nhu cầu khác trong nước; và (c) xuất khẩu và sản xuất hydrogen xanh và ammoniac xanh để xuất khẩu.
Luật mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi bằng cách quy định cụ thể các ưu đãi đầu tư, các yêu cầu khảo sát dự án, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, và cơ chế lựa chọn nhà đầu tư.
Ưu Đãi Đầu Tư
Dự kiến sẽ có thêm các quy định hướng dẫn cụ thể về các ưu đãi đầu tư. Các dự án điện gió ngoài khơi có thể được hưởng các ưu đãi sau theo dự thảo nghị định hướng dẫn phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới (Dự Thảo Nghị Định[2]):
- Miễn tiền sử dụng khu vực biển trong thời gian xây dựng; và giảm 50% tiền sử dụng khu vực biển trong 12 năm kể từ khi vận hành thương mại;
- Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng; và
- 80% sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn là trong thời gian tối đa 12 năm và trong thời gian trả gốc khoản vay đối với các dự án bán điện lên lưới điện quốc gia.
Cần lưu ý rằng các ý kiến đóng góp từ công chúng và các cập nhật bổ sung vẫn sẽ được xem xét đối với các quy định này.
Khảo Sát Điện Gió Ngoài Khơi
Trước khi lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án, đơn vị khảo sát điện gió ngoài khơi sẽ là một trong hai đối tượng: doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước (DNNN) do Thủ tướng Chính phủ chỉ định hoặc các nhà đầu tư[3] (dự kiến sẽ được Bộ Công Thương (BCT) chấp thuận theo Dự Thảo Nghị Định[4]). Có thể thấy rằng quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc giao khu vực biển cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi dựa trên quyết định giao đơn vị thực hiện khảo sát dự kiến được BCT ban hành.[5]
Hiện tại, chưa rõ liệu các dự án điện gió ngoài khơi đang triển khai mà đã được Bộ Tài Nguyên và Môi Trường (BTNMT) chấp thuận khảo sát đo gió và/hoặc điều tra địa chất, thủy văn trong những năm qua, có cần phải thay thế những chấp thuận này bằng các chấp thuận mới theo quy định của Luật Điện Lực 2024 hay không.
Chấp Thuận Chủ Trương Đầu Tư (IPA)
Các nhà đầu tư hoặc đơn vị khảo sát, như đã đề cập trước đó, đề xuất xin chấp thuận IPA cho các dự án phát điện gió ngoài khơi, mà IPA này sẽ làm cơ sở để lựa chọn nhà đầu tư ở giai đoạn sau.
Một điểm quan trọng trước khi cấp IPA cho một dự án phát điện gió ngoài khơi là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền phụ trách phê duyệt dự án được nhấn mạnh khi phải thu thập ý kiến và chấp thuận từ các cơ quan và bộ ngành khác nhau.
Lựa Chọn Nhà Đầu Tư
Luật Điện Lực 2024 mới quy định rằng Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt IPA đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho dự án phát điện gió ngoài khơi trong các trường hợp sau:
- dự án không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vì lý do an ninh và quốc phòng; và
- dự án do DNNN đề xuất và phát triển.
Ngoài trường hợp phê duyệt IPA đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho dự án như đề cập ở trên, việc lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án điện ngoài khơi sẽ phải tuân theo quy trình đấu thầu và các yêu cầu theo quy định của Luật Đấu Thầu. Tuy nhiên, yêu cầu đấu thầu này có vẻ gây nhầm lẫn, bởi lẽ cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi đã được loại bỏ như nêu trong phần tổng quan về lựa chọn nhà đầu tư cho tất cả các loại dự án điện.[6]
Theo đó, Dự Thảo Nghị Định sẽ chỉ rõ các quy tắc và tiêu chí đấu thầu cụ thể, các yêu cầu và điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án, cũng như những hạn chế, giới hạn liên quan tới vốn góp cho dự án một cách chi tiết hơn, kết hợp với các quy tắc và yêu cầu chung theo Luật Đấu Thầu và các quy định thực thi liên quan.
Điện Khí
Trong bối cảnh giảm thiểu việc phát triển các dự án nhiệt điện than và loại bỏ dần các dự án khi hết vòng đời, các dự án điện khí có thể là giải pháp thay thế tốt nhất và là nguồn bền vững để cung cấp nguồn điện chạy nền cho hệ thống điện Việt Nam.
Các dự án sử dụng khí thiên nhiên trong nước, đặc biệt là từ các mỏ khí Lô B và Cá Voi Xanh, sẽ được ưu tiên để thúc đẩy sự phát triển các dự án điện khí. Ngoài ra, việc phát triển và đầu tư các dự án điện LNG[7] cũng được khuyến khích, đặc biệt là những dự án liên quan đến việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng LNG, chẳng hạn như các cảng LNG và đường ống dẫn khí, nhằm giảm chi phí sản xuất điện.
Chính phủ đã và đang nỗ lực lớn trong việc xây dựng một nghị định khuyến khích thiết lập chính sách cho các nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước hoặc nhập khẩu, bao gồm việc bảo đảm tiêu thụ khí thiên nhiên trong nước, chuyển ngang giá nhiên liệu (bao gồm chi phí vận chuyển, lưu trữ và tái khí hóa, cũng như phí phân phối) vào giá điện, và sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn. Tuy nhiên, mặc dù có những đề xuất mạnh mẽ từ các bộ, DNNN, cũng như các tổ chức tư nhân và nhà đầu tư liên quan, dự thảo nghị định này vẫn chưa có tiến triển mới kể từ tháng 05 năm 2024.
Các Vấn Đề Khác
Luật quy định rõ ràng, trừ khi có quy định khác, rằng quy trình đấu thầu là chính sách phổ biến nhất trong việc lựa chọn nhà đầu tư cho tất cả các loại dự án điện (với định nghĩa rộng[8]) khi có từ hai nhà đầu tư trở lên quan tâm đến một dự án. Tiêu chí đấu thầu quan trọng nhất được xác định dựa trên tiêu chí giá điện, trừ trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc được chấp thuận trực tiếp.
Trách nhiệm ngừng hoạt động và tháo dỡ các công trình và nhà máy thuộc dự án điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới cũng được yêu cầu rõ ràng trong trường hợp (i) công trình xây dựng hết thời hạn sử dụng theo quy định của Luật Xây Dựng, hoặc (ii) thời hạn hoạt động của dự án kết thúc theo quy định của Luật Đầu Tư, trừ trường hợp được gia hạn khác.
KẾT LUẬN
Luật Điện Lực 2024 mới đóng vai trò là một luật chuyên ngành điều chỉnh toàn diện ngành điện với nhiều khía cạnh mới được chúng tôi trình bày trong bản cập nhật pháp lý này, và cũng đồng thời quy định các điều khoản ưu tiên áp dụng luật điện lực thay vì các luật khác có liên quan trong nhiều vấn đề về năng lượng. Các vấn đề này bao gồm thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án đường dây truyền tải, phát triển các dự án điện lực khẩn cấp, lựa chọn nhà đầu tư cho dự án điện, và phát triển dự án điện gió ngoài khơi.
Để triển khai luật mới một cách toàn diện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1544/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2024, về kế hoạch triển khai thi hành Luật Điện Lực 2024. Do đó, dự kiến nhiều văn bản hướng dẫn dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật (tức là nghị định, thông tư, hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ) hoặc văn bản thi hành (như các quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc BCT). Cần lưu ý rằng Nghị định 80/2024/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, cũng như Nghị định 135/2024/NĐ-CP điều chỉnh cơ chế và chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ dự kiến sẽ được thay thế hoàn toàn.
Tóm lại, Luật Điện Lực 2024 được thông qua gần đây sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho việc phát triển các dự án phát điện sử dụng nhiều nguồn năng lượng khác nhau và mở ra nhiều cơ hội cho các bên tham gia thị trường. Chúng tôi cho rằng thị trường năng lượng Việt Nam sẽ một lần nữa trở nên sôi động khi khung pháp lý được nâng cao rõ rệt.
Tải bản tin về máy tại đây: Bản cập nhật Pháp luật - Luật Điện lực Việt Nam năm 2024
[1] Điều 23.2 Luật Điện Lực 2024.
[2] Dự Thảo Nghị Định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện Lực về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, được đính kèm theo công văn 2057/ĐL-NLTT vào ngày 16 tháng 12 năm 2024 của EREA/BCT.
[3] Điều 27.1(b) và 28.1(b) Luật Điện Lực 2024.
[4] Điều 23.4 Dự Thảo Nghị Định.
[5] Điều 25 Dự Thảo Nghị Định.
[6] Điều 18.1(đ) và Điều 19.1 Luật Điện Lực 2024.
[7] LNG nghĩa là liquefied natural gas: khí thiên nhiên hóa lỏng.
[8] Các điều 4.9 và 4.12 Luật Điện Lực 2024.