Nghị định 58: Làm rõ cơ chế ưu đãi đối với điện mặt trời mái nhà, điện gió ngoài khơi và điện năng lượng mới

15/04/2025 17:00

Ngày 3 tháng 3 năm 2025, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 58/2025/NĐ-CP (Nghị định 58), hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Điện lực 2024 liên quan đến phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới hệ thống điện gió ngoài khơi và điện mặt trời mái nhà (RTS). Nghị định 58 đưa ra những quy định quan trọng nhằm làm rõ điều kiện áp dụng đối với dự án, cơ chế ưu đãi dành cho nhà đầu tư, các giới hạn về quyền sở hữu, cũng như nghĩa vụ tuân thủ áp dụng đối với hệ thống điện tự sản xuất, tự tiêu thụ. Đáng chú ý, Nghị định 58 cũng thiết lập một cơ chế ưu đãi đặc thù nhằm thúc đẩy dòng vốn đầu tư sớm vào các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn. 

Bản cập nhật pháp lý này tóm lược những điểm thay đổi nổi bật, đồng thời phân tích các tác động thực tiễn đối với nhà phát triển dự án, nhà đầu tư và các bên liên quan khác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

 

1. Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ

Nghị định 58 tái khẳng định khung pháp lý về hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được thiết lập theo Nghị định 135/2024/NĐ-CP, đồng thời phân loại các dự án điện mặt trời mái nhà thành hai nhóm như sau:

1.1. Nhóm 1 – Dự án điện mặt trời mái nhà có đấu nối lưới điện 

Nhóm này bao gồm các hệ thống điện mặt trời mái nhà có đấu nối với lưới điện quốc gia và có thể sử dụng điện thuộc lưới điện quốc gia làm nguồn điện dự phòng. Tuy nhiên, việc bán sản lượng điện dư vào lưới điện quốc gia chỉ được thực hiện nếu có giấy phép hợp lệ.

1.1.1. Cơ chế bán sản lượng điện dư

  1. Tối đa 20% sản lượng điện được phát có thể được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
  2. Giá điện áp dụng là giá bán điện bình quân trên thị trường do Đơn vị Vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện quốc gia (NSMO) công bố, nhưng không vượt quá mức trần giá điện áp dụng đối với điện mặt trời mặt đất (hiện tại là 1.184,90 đồng/kWh, tương đương 4,74 xu Mỹ/kWh).
  3. Các trường hợp ngoại lệ:
    1. Các dự án điện mặt trời mái nhà là tài sản công thì không được phép bán sản lượng điện dư;
    2. Không áp dụng giới hạn 20% đối với các dự án tại khu vực vùng sâu, vùng xa hoặc chưa được cấp điện đầy đủ; và
    3. Giới hạn sản lượng điện bán bao gồm cả điện được lưu trữ từ hệ thống công tơ lưu điện.

1.1.2. Nghĩa vụ thông báo và đăng ký

  1. Dự án có công suất dưới 100kW: Phải gửi Thông báo đến Sở Công Thương (DOIT) và các cơ quan quản lý có liên quan;
  2. Dự án có công suất từ 100kW đến dưới 1MW nhưng không bán điện: Phải thực hiện thủ tục thông báo;
  3. Dự án có công suất từ 1MW trở lên hoặc có mục đích bán điện: Phải đăng ký với Sở Công Thương.

Tổng công suất lắp đặt của dự án không được vượt quá hạn mức công suất nguồn điện đã được phân bổ theo quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh.

1.2. Nhóm 2 – Dự án điện mặt trời mái nhà không đấu nối lưới điện

Đây là các hệ thống điện mặt trời mái nhà hoàn toàn độc lập để phục vụ tiêu thụ tại chỗ và không được kết nối với lưới điện quốc gia.

1.2.1. Không được phép bán sản lượng điện dư

Các dự án điện mặt trời mái nhà không đấu nối với lưới điện quốc gia không được phép bán điện cho EVN hoặc bất kỳ đơn vị cung cấp điện nào có đấu nối lưới điện.

1.2.2. Yêu cầu thông báo

  1. Tất cả các dự án không đấu nối lưới điện phải gửi thông báo tới Sở Công Thương và đơn vị điện lực địa phương.
  2. Thông tin bắt buộc bao gồm: công suất hệ thống, hình thức kết nối, ước tính sản lượng tiêu thụ và mô hình hoạt động (tự tiêu thụ hoàn toàn hoặc kết hợp với cơ chế Hợp đồng mua bán điện trực tiếp).

Các yêu cầu tuân thủ chính:

  1. Mọi dự án điện mặt trời mái nhà phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh, trừ trường hợp được miễn áp dụng.
  2. Các trường hợp được miễn trừ bao gồm:
  1. Các dự án có công suất nhỏ, không gây ảnh hưởng hoặc chỉ gây ảnh hưởng không đáng kể đến hệ thống điện; và
  2. Các dự án không đấu nối với lưới điện quốc gia hoặc không xuất khẩu điện, được thiết kế hoàn toàn để phục vụ mục đích sử dụng nội bộ.

 

2. Cơ chế ưu đãi và quản lý đối với các dự án điện gió ngoài khơi

Nghị định 58 thiết lập một khung cơ chế ưu đãi rõ ràng dành cho các dự án điện gió ngoài khơi, bao gồm các ưu đãi về tài chính, sử dụng đất – biển và bảo đảm tiêu thụ điện năng.

2.1. Điều kiện áp dụng cơ chế ưu đãi

  1. Dự án phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày 1 tháng 1 năm 2031;
  2. Dự án phải nằm trong tổng công suất 6.000 MW đã được phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; và
  3. Các dự án vượt quá giới hạn công suất hoặc được phê duyệt sau thời điểm nêu trên sẽ áp dụng theo các quy định pháp luật tại thời điểm tương ứng.

2.2. Các hình thức ưu đãi

  1. Miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển
    1. Được miễn tiền sử dụng khu vực biển trong thời gian xây dựng cơ bản (tối đa 03 năm kể từ ngày khởi công); và
    2. Giảm 50% tiền sử dụng khu vực biển trong thời hạn 09 năm tiếp theo.
  2. Miễn, giảm tiền sử dụng đất và tiền thuê đất
    1. Miễn toàn bộ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản (tối đa 03 năm); và
    2. Sau thời gian này, việc miễn/giảm tiếp theo sẽ được áp dụng theo quy định pháp luật hiện hành.
  3. Bảo đảm tiêu thụ sản lượng điện
    1. EVN có nghĩa vụ ký hợp đồng mua tối thiểu 80% sản lượng điện trong thời gian trả nợ gốc vốn vay (tối đa 15 năm), trừ khi các bên có thỏa thuận khác; và
    2. Cam kết này không áp dụng đối với phần sản lượng bị thiếu do lỗi từ phía nhà đầu tư hoặc do hạn chế kỹ thuật của hệ thống điện trong việc tiếp nhận điện năng.

2.3. Thời điểm kết thúc ưu đãi và cơ chế chuyển tiếp

  1. Sau khi hết thời hạn áp dụng ưu đãi, các quy định pháp luật chung sẽ được áp dụng; và
  2. Các dự án được phê duyệt sau ngày 31 tháng 12 năm 2030 sẽ tuân thủ theo chính sách và quy định pháp luật được ban hành tại thời điểm tương ứng.

 

3. Lựa chọn nhà đầu tư và cơ cấu sở hữu

Nghị định 58 cũng đặt ra các điều kiện về năng lực nhà đầu tư và cơ chế chuyển nhượng dự án đối với các dự án điện gió ngoài khơi.

3.1. Phân loại nhà đầu tư

Tiêu chí

Nhà đầu tư loại A 

(Nhà đầu tư có đa số vốn nước ngoài)

Nhà đầu tư loại B 

(Nhà đầu tư Việt Nam/Nhà đầu tư có đa số vốn trong nước)

Kinh nghiệm

Đã từng phát triển tối thiểu 01 dự án điện gió ngoài khơi Đã từng phát triển tối thiểu 01 dự án năng lượng

Năng lực tài chính

Góp tối thiểu 15% tổng mức đầu tư; tỷ lệ vốn chủ sở hữu chiếm tối thiểu 20% phần vốn gópGóp tối thiểu 5% tổng mức đầu tư; tỷ lệ vốn chủ sở hữu chiếm tối thiểu 20% phần vốn góp

Hạn chế về sở hữu

Doanh nghiệp nhà nước nắm giữ ≥ 5% tổng tỷ lệ vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết Không áp dụng giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài

Mức trần giá điện trong đấu thầu

Không vượt quá mức giá tối đa thuộc khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hànhÁp dụng tương tự

 

3.2. Dự án xuất khẩu điện

  1. Nhà đầu tư Việt Nam phải nắm giữ >50% vốn điều lệ;
  2. Giá bán điện ra nước ngoài ≥ mức giá trần trong nước áp dụng đối với điện gió ngoài khơi (do Bộ Công Thương ban hành hàng năm); và
  3. Hợp đồng mua bán điện phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

3.3. Hạn chế chuyển nhượng dự án

  1. Việc chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương.
  2. Trước ngày vận hành khai thác: Bên nhận chuyển nhượng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về năng lực kinh nghiệm, tài chính và sở hữu như một nhà đầu tư mới.
  3. Sau ngày vận hành khai thác: Phải tiếp tục thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về nội địa hóa và tỷ lệ tham gia của đối tác trong nước theo quy định pháp luật.

 

Kết luận và triển vọng

Nghị định 58 là một bước tiến quan trọng trong lộ trình của Việt Nam nhằm mở rộng quy mô phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu của Quy hoạch phát triển điện lực VIII (PDP8) và cam kết đạt phát thải ròng bằng không. Nghị định này thiết lập các cơ chế ưu đãi thiết thực dành cho các nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, đồng thời cung cấp các hướng dẫn pháp lý rõ ràng cho các nhà phát triển điện mặt trời mái nhà.

Tuy vậy, mức độ hiệu quả trên thực tế của Nghị định 58 vẫn sẽ phụ thuộc vào việc sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết tiếp theo (đặc biệt từ Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính, tiến độ phân bổ công suất theo quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh, và sự thống nhất trong công tác triển khai, cấp phép tại địa phương.

 

Định hướng hành động cho các chủ thể tham gia thị trường:

  1. Rà soát cấu trúc các dự án điện mặt trời mái nhà hiện tại để xác định yêu cầu về quy hoạch và thủ tục đăng ký phù hợp;
  2. Đánh giá tính đủ điều kiện của danh mục dự án điện gió ngoài khơi nhằm tận dụng cơ chế ưu đãi trước năm 2031;
  3. Chuẩn bị phương án tham gia đấu thầu và điều chỉnh cơ cấu sở hữu theo các điều kiện mới áp dụng cho nhà đầu tư; và
  4. Theo dõi sát sao các thông tư, văn bản hướng dẫn sắp được ban hành để điều chỉnh chiến lược tuân thủ pháp lý cho phù hợp.

 

Vui lòng liên hệ với đội ngũ Frasers để được hỗ trợ chuyên sâu trong việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo theo khung pháp lý mới của Nghị định 58 hoặc trong quá trình xây dựng cấu trúc đầu tư hiệu quả tại Việt Nam.

 

Tải bản tin về máy tại đây: Legal Update - Rooftop Solar, Offshore Wind, and New Energy Incentives Clarified (VN) - April 2025.pdf


Bài viết này chỉ cung cấp một bản tóm tắt về chủ đề được đề cập, mà không có bất kỳ nghĩa vụ nào do Công ty Luật Frasers chịu trách nhiệm. 

Bản tóm tắt không nhằm mục đích cũng như không nên dựa vào nó để thay thế cho lời khuyên pháp lý.