Nghị Định 56: Quy Định Mới Về Quy Hoạch Phát Triển Điện Lực, Dự Án Điện Khí và Cơ Chế Đấu Thầu Lựa Chọn Nhà Đầu Tư

09/04/2025 10:00

Nghị Định 56: Quy Định Mới Về Quy Hoạch Phát Triển Điện Lực, Dự Án Điện Khí và Cơ Chế Đấu Thầu Lựa Chọn Nhà Đầu Tư

Ngày 3 tháng 3 năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2025/NĐ-CP (Nghị định 56) nhằm hướng dẫn thi hành các quy định quan trọng của Luật Điện lực năm 2024. Nghị định 56 đặt ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện và rõ ràng đối với quy trình lập và triển khai Quy hoạch phát triển điện lực cấp quốc gia và cấp tỉnh (Quy hoạch phát triển điện lực), cơ chế phát triển các dự án điện khí, cũng như trình tự tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án hạ tầng điện lực. Nghị định 56 đồng thời thiết lập khung pháp lý rõ ràng cho các nhà đầu tư phát triển dự án điện, làm rõ cơ chế thu hồi chi phí đối với các dự án sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và quy trình đấu thầu có cấu trúc rõ ràng nhằm nâng cao tính minh bạch, khả năng huy động vốn và mức độ khả thi trong đầu tư các dự án điện.

Bản cập nhật dưới đây tổng hợp những điểm nổi bật của Nghị định 56, đồng thời đưa ra các lưu ý thực tiễn quan trọng dành cho nhà phát triển dự án, nhà đầu tư và các bên liên quan đang hoặc sẽ tham gia vào thị trường điện lực tại Việt Nam.

 

1. Dự án đủ điều kiện thuộc Quy hoạch phát triển điện lực: Làm rõ phạm vi dự án

Nghị định 56 quy định cụ thể các tiêu chí xác định dự án điện thuộc đối tượng phải đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, qua đó triệt để tháo gỡ vướng mắc đã kéo dài từ lâu liên quan đến vấn đề này.

Đáng lưu ý, ba nhóm dự án dưới đây được loại trừ rõ ràng khỏi yêu cầu phải đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực:

  1. Hệ thống điện có đấu nối lưới điện hoạt động ở cấp điện áp từ 1 kV trở xuống;
  2. Hệ thống điện hoàn toàn không đấu nối lưới điện, được thiết kế chỉ để phục vụ nhu cầu tiêu thụ điện nội bộ (ví dụ: nhà máy, trang trại, hộ gia đình); và
  3. Hệ thống điện có đấu nối lưới điện với cấu hình “không phát điện lên lưới điện quốc gia”, tức là hệ thống điện được thiết kế để ngăn chặn việc đưa điện lên hệ thống điện quốc gia.

Quy định miễn trừ này được thiết kế nhằm giảm thiểu gánh nặng thủ tục hành chính đối với các dự án điện năng lượng tái tạo quy mô nhỏ phục vụ mục đích tự tiêu thụ – đặc biệt là điện mặt trời áp mái, hệ thống lưu trữ điện phía sau công tơ, và các mô hình năng lượng phân tán tiên tiến – vốn trước đây thường gặp rủi ro pháp lý liên quan đến yêu cầu tích hợp vào Quy hoạch phát triển điện lực.

Tuy nhiên, Nghị định 56 vẫn nhấn mạnh rằng mọi dự án có đấu nối vào lưới điện quốc gia hoặc bán điện lên lưới, không phân biệt quy mô công suất, đều phải được xem xét trong khuôn khổ của Quy hoạch phát triển điện lực tương ứng.

 

2. Dự án điện khí: Cơ chế chuyển ngang giá nhiên liệu sang giá điện và nghĩa vụ mua điện dài hạn

Nghị định 56 thiết lập một khung pháp lý thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong việc phát triển các dự án điện khí bằng cách thiết lập:

  1. Áp dụng cơ chế chuyển ngang giá nhiên liệu vào giá điện trong Hợp đồng mua bán điện nhằm bảo đảm khả năng thu hồi chi phí đầu tư; và
  2. Quy định nghĩa vụ mua điện dài hạn bắt buộc để nâng cao tính khả thi tài chính và khả năng huy động vốn của dự án.

2.1 Cơ chế chuyển ngang giá nhiên liệu sang giá điện trong Hợp đồng mua bán điện

Theo quy định tại Nghị định 56, các dự án điện khí sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu hoặc khí thiên nhiên khai thác trong nước được phép thu hồi chi phí nhiên liệu thông qua giá điện trong Hợp đồng mua bán điện, với điều kiện dự án đạt ngày vận hành phát điện trước:

  1. Ngày 1 tháng 1 năm 2031, đối với các dự án sử dụng LNG nhập khẩu; hoặc
  2. Ngày 1 tháng 1 năm 2036, đối với các dự án sử dụng khí thiên nhiên trong nước.

Chi phí nhiên liệu được xác định và áp dụng trong Hợp đồng mua bán điện theo các nguyên tắc sau:

  1. Trường hợp có nhiều hợp đồng cung cấp nhiên liệu: Giá nhiên liệu áp dụng được tính theo bình quân gia quyền của khối lượng nhiên liệu đã được lập hóa đơn, nhằm phản ánh chi phí thực tế và hạn chế biến động giá điện;
  2. Đối với các dự án có hạ tầng nhập khẩu LNG: Chi phí đầu tư xây dựng kho cảng và hệ thống đường ống dẫn khí LNG được phép phân bổ vào giá điện thông qua biểu giá trong Hợp đồng mua bán điện; tuy nhiên, các khoản chi phí này không được tính trùng vào thành phần giá nhiên liệu tại điểm giao nhận của nhà máy điện;
  3. Đối với các dự án sử dụng chung hạ tầng LNG sau tái hóa:  Giá nhiên liệu được xác định trên cơ sở bao gồm giá nhập khẩu LNG, phí lưu trữ, phí tái hóa và chi phí vận chuyển nội bộ, đồng thời phải tuân thủ theo khung giá do Bộ Công Thương ban hành.

Cơ chế này được thiết kế để phản ánh sát sao diễn biến thực tế của thị trường nhiên liệu, đồng thời tạo sự ổn định và khả năng dự báo cho các nhà đầu tư khi đàm phán và triển khai dự án.

2.2. Nghĩa vụ mua bán điện dài hạn đối với các dự án điện khí

Nhằm nâng cao tính khả thi tài chính và hỗ trợ huy động vốn vay cho các dự án điện khí, Nghị định 56 quy định nghĩa vụ mua điện dài hạn giữa Bên bán điện và Bên mua điện (thường là EVN hoặc các tổng công ty điện lực thành viên), với các nguyên tắc cụ thể áp dụng đối với từng loại hình dự án điện khí và dự án điện khí LNG như sau:

Đối với các dự án điện khí sử dụng khí thiên nhiên trong nước:

  1. Bên mua điện có trách nhiệm huy động công suất nhà máy dựa trên mức tối đa theo khả năng cấp khí, đồng thời tuân thủ các yêu cầu ràng buộc của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia nhằm bảo đảm cân đối hệ thống điện;
  2. Quyền huy động phụ thuộc vào tình trạng cung cấp nhiên liệu, công suất, và sản lượng phát điện khả dụng của nhà máy điện.

Đối với các dự án điện khí sử dụng LNG nhập khẩu:

  1. Trong thời gian trả nợ gốc và lãi vay (tối đa 10 năm kể từ ngày vận hành phát điện), sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn phải không thấp hơn 65% sản lượng điện phát bình quân nhiều năm của dự án.
  2. Sau thời gian áp dụng mức sản lượng nêu trên, sản lượng điện hợp đồng hoặc tỷ lệ điện năng thanh toán theo giá hợp đồng cho các năm còn lại sẽ do Bên bán điện và Bên mua điện thống nhất trong quá trình đàm phán, thảo thuận hợp đồng mua bán điện trên cơ sở phù hợp với các quy định pháp luật liên quan và diễn biến của thị trường điện.

Các quy định nêu trên nhằm giảm thiểu rủi ro bao tiêu dài hạn – một trong những rào cản lớn đối với việc phát triển các dự án điện khí LNG tại Việt Nam, bắt nguồn từ những yếu tố bất định liên quan đến nhu cầu tiêu thụ điện, biến động giá nhiên liệu và thách thức trong việc tích hợp vào hệ thống lưới điện quốc gia.

 

3. Cơ chế lựa chọn nhà đầu tư và quy trình đấu thầu đối với các dự án điện

Nghị định 56 thiết lập một khung pháp lý toàn diện về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh điện lực thông qua cơ chế đấu thầu cạnh tranh, phù hợp với Luật Điện lực năm 2024 và định hướng nâng cao tính minh bạch, công khai và hiệu quả trong hoạt động thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện lực.

Quy định tại mục này được áp dụng đối với các dự án điện có nhu cầu được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, hoặc trong trường hợp nhà đầu tư phải được lựa chọn thông qua đấu thầu để được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Bên cạnh đó, Nghị định 56 cũng quy định rõ các trường hợp cụ thể được phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư không thông qua đấu thầu, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

3.1. Phạm vi áp dụng

Cơ chế lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu được áp dụng đối với các trường hợp sau:

  1. Dự án điện đã được đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh; hoặc
  2. Dự án có từ hai nhà đầu tư trở lên quan tâm.

Phạm vi áp dụng bao gồm các dự án năng lượng tái tạo, dự án nhiệt điện, dự án điện khí LNG, cũng như dự án đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện được triển khai theo mô hình nhà đầu tư độc lập.

3.2. Quy trình đấu thầu và các cơ quan có thẩm quyền liên quan

Nghị định 56 quy định quy trình lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu được thực hiện theo hai giai đoạn với cấu trúc rõ ràng như sau:

Giai đoạn 1 – Phê duyệt chính sách đấu thầu

  1. Cơ quan có thẩm quyền, bao gồm Bộ Công Thương (đối với các dự án thuộc Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với các dự án thuộc Quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh), có trách nhiệm xác định Bên mua điện sẽ ký kết Hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư được lựa chọn;
  2. Chính sách đấu thầu phải bao gồm các thông tin cơ bản của dự án như: vị trí, quy mô, loại công nghệ, phương án đấu nối vào lưới điện và các yêu cầu về môi trường.

Giai đoạn 2 – Tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

  1. Sau khi chính sách đấu thầu được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu công khai, theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) và các văn bản hướng dẫn có liên quan;
  2. Hồ sơ mời thầu phải nêu rõ các nội dung sau:
    1. Tiêu chí sơ tuyển và điều kiện tham dự thầu;
    2. Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu (theo tiêu chí kỹ thuật, tài chính hoặc kết hợp);
    3. Mức trần giá điện, nếu có;
    4. Điều kiện sử dụng đất hoặc không gian biển;
    5. Tiến độ triển khai dự án và các mốc kết nối lưới điện bắt buộc.

3.3. Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư

Nhà đầu tư trúng thầu sẽ có các quyền và nghĩa vụ sau:

  1. Có quyền thực hiện các thủ tục đầu tư, bao gồm: đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC);
  2. Có quyền đàm phán Hợp đồng mua bán điện với EVN hoặc đơn vị khác được Bộ Công Thương chỉ định làm bên mua điện;
  3. Có nghĩa vụ tuân thủ các quy định sau:
  1. Yêu cầu về đánh giá tác động môi trường và biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường;
  2. Cam kết đảm bảo tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng và đưa dự án vào vận hành thương mại;
  3. Các điều kiện kèm theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định giao đất hoặc cho thuê đất.

3.4. Lựa chọn nhà đầu tư trong các trường hợp khẩn cấp

  1. Dự án được triển khai để thay thế các dự án chậm tiến độ, đã dừng thực hiện hoặc không đáp ứng kịp nhu cầu phụ tải tăng cao, dẫn đến nguy cơ thiếu điện;
  2. Dự án phát điện được giao thực hiện theo hình thức khẩn cấp cho doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, nhằm bảo đảm an ninh cung cấp năng lượng;
  3. Dự án lưới điện cần đẩy nhanh tiến độ triển khai nhằm thay thế dự án chậm tiến độ, giảm thiểu tình trạng quá tải hoặc ngăn ngừa nguy cơ thiếu điện trong vòng 2 năm tới;
  4. Dự án khẩn cấp theo yêu cầu cấp bách bảo đảm quốc phòng, an ninh;
  5. Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cấp bách tại địa phương, yêu cầu đưa vào vận hành trong thời gian dưới 18 tháng (áp dụng đối với dự án lưới điện cấp điện áp 110 kV).

Bộ Công Thương hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm đề xuất các dự án điện khẩn cấp. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là "dự án, công trình điện lực khẩn cấp", các dự án này sẽ được áp dụng thủ tục đầu tư rút gọn, ưu tiên về tiến độ triển khai và đơn giản hóa quy trình lựa chọn nhà đầu tư.

 

Kết luận và Triển vọng

Nghị định 56 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh lĩnh vực điện lực tại Việt Nam. Nghị định này thiết lập nền tảng pháp lý rõ ràng cho việc lập quy hoạch điện minh bạch, xây dựng cơ chế giá điện có thể dự đoán được cho các dự án điện khí LNG, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy sự tham gia cạnh tranh của nhà đầu tư vào các dự án hạ tầng điện lực.

Đặc biệt, việc triển khai áp dụng cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được xem là một bước chuyển mình rõ rệt so với cách tiếp cận phê duyệt dự án theo hình thức riêng lẻ trước đây, góp phần giảm thiểu rủi ro pháp lý và nâng cao tính khả thi tài chính cho các dự án điện.

 

Các bước tiếp theo dành cho nhà đầu tư và các bên liên quan:

  1. Rà soát sự phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực đối với các dự án đang triển khai hoặc dự kiến thực hiện;
  2. Đánh giá lại cơ cấu mua sắm nhiên liệu và biểu giá điện trong các Hợp đồng mua bán điện của Dự án điện khí LNG;
  3. Theo dõi thông báo đấu thầu và điều kiện sơ tuyển được công bố bởi Bộ Công Thương hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
  4. Xem xét khả năng tham gia mô hình liên doanh hoặc tập đoàn, đặc biệt trong các trường hợp có yêu cầu về tỷ lệ sở hữu trong nước hoặc kinh nghiệm phát triển dự án tương tự.

 

Nếu Quý khách hàng cần tư vấn chiến lược hoặc hỗ trợ cụ thể liên quan đến giao dịch đầu tư theo khuôn khổ mới của Nghị định 56, vui lòng liên hệ với đội ngũ chuyên gia của chúng tôi tại Frasers.

 

Tải bản tin về máy tại đây: Legal Update (VN) - New Rules on Power Planning, Gas-to-Power Projects, and Investor Auctions - April 2025.pdf


Bài viết này chỉ cung cấp một bản tóm tắt về chủ đề được đề cập, mà không có bất kỳ nghĩa vụ nào do Công ty Luật Frasers chịu trách nhiệm. 

Bản tóm tắt không nhằm mục đích cũng như không nên dựa vào nó để thay thế cho lời khuyên pháp lý.