Nghị định 57: Việt Nam chính thức triển khai cơ chế DPPA toàn diện cho điện năng lượng tái tạo

11/04/2025 16:30

Ngày 03/03/2025, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 57/2025/NĐ-CP (Nghị định 57), thiết lập khung pháp lý chính thức cho các Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (Direct Power Purchase Agreements – DPPAs) theo Luật Điện lực 2024. Nghị định 57 thay thế cơ chế thí điểm trước đây được quy định tại Nghị định 80/2024/NĐ-CP (Nghị định 80) và định hướng một lộ trình điều tiết rõ ràng hơn cho các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (Renewable Energy Generators - RE GENCOs) và khách hàng sử dụng điện lớn, thông qua hai mô hình giao dịch điện năng trực tiếp là qua lưới điện kết nối riêng (Off-Grid) hoặc qua lưới điện quốc gia (Grid-Connected).

Bản cập nhật pháp lý này tóm lược những quy định then chốt của Nghị định 57, phân tích các điểm khác biệt chính so với cơ chế thí điểm trước đây, đồng thời cung cấp góc nhìn so sánh tổng quan giữa các mô hình DPPA nhằm hỗ trợ các bên liên quan hiểu và vận dụng hiệu quả quy định mới trong thực tiễn.

 

1. Định nghĩa về Lưới Điện Kết Nối Riêng trong Mô Hình DPPA Qua Lưới Điện Kết Nối Riêng

Lần đầu tiên, Nghị định 57 chính thức đưa ra định nghĩa về “lưới điện kết nối riêng” trong khuôn khổ Mô Hình DPPA Qua Lưới Điện Kết Nối Riêng. Cụ thể, các cơ sở hạ tầng sau đây đủ điều kiện được xem là lưới điện kết nối riêng:

  1. Hệ thống truyền tải điện do đơn vị phát điện năng lượng tái tạo đầu tư, lắp đặt và vận hành, bao gồm đường dây tải điện trên không hoặc cáp điện ngầm, máy biến áp và các thiết bị phụ trợ dùng để kết nối giữa nhà máy phát điện và điểm tiêu thụ điện của khách hàng sử dụng điện lớn; và
  2. Hệ thống điện mặt trời mái nhà tư nhân (RTS) do đơn vị phát điện năng lượng tái tạo đầu tư và sở hữu, cho phép bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện lớn, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Việc luật hóa định nghĩa này đã giải quyết được các bất cập và khoảng trống pháp lý trước đây theo Nghị định 80, đồng thời khẳng định quyền của đơn vị phát điện năng lượng tái tạo trong việc tự đầu tư, xây dựng và vận hành hệ thống hạ tầng điện riêng để cung cấp điện trực tiếp đến người tiêu dùng cuối, không phụ thuộc vào việc đấu nối vào lưới điện quốc gia hoặc phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – trừ khi các bên có thỏa thuận hợp đồng khác.

 

2. Các đối tượng tham gia Mô Hình DPPA Qua Lưới Điện Kết Nối Riêng

Nghị định 57 đã chính thức xác nhận và mở rộng phạm vi các đối tượng đủ điều kiện tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp qua lưới điện kết nối riêng, bao gồm:

i. Đơn Vị Phát Điện Năng Lượng Tái Tạo (RE GENCOs)

Là các chủ thể sở hữu và vận hành các công trình phát điện từ năng lượng tái tạo. Theo Nghị định 57, các loại hình công nghệ đủ điều kiện bao gồm:

  1. Năng lượng mặt trời;
  2. Năng lượng gió;
  3. Năng lượng đại dương;
  4. Năng lượng địa nhiệt;
  5. Thủy điện;
  6. Điện sinh khối;
  7. Chuyển chất thải thành năng lượng (mới được bổ sung tại Nghị định 57); và
  8. Các nguồn năng lượng tái tạo khác theo quy định của Luật Điện lực năm 2024

Việc bổ sung dự án chuyển chất thải thành năng lượng là một bước mở rộng quan trọng, cho phép chính quyền đô thị và các đơn vị quản lý chất thải tham gia thị trường DPPA, đồng thời góp phần giải quyết bài toán chất thải rắn đô thị.

ii. Khách Hàng Sử Dụng Điện Lớn

Để đủ điều kiện tham gia Mô Hình DPPA Qua Lưới Điện Kết Nối Riêng, khách hàng sử dụng điện lớn cần đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:

  1. Có sản lượng tiêu thụ điện bình quân tối thiểu 200.000 kWh/tháng trong vòng 12 tháng gần nhất (trong trường hợp có lịch sử tiêu thụ); hoặc
  2. Là khách hàng đăng ký mới với mức tiêu thụ điện dự kiến tối thiểu 200.000 kWh/tháng tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký tham gia DPPA.

 

3. Cơ chế xử lý sản lượng điện dư trong Mô Hình DPPA Qua Lưới Điện Kết Nối Riêng

Nghị định 57 thiết lập một cơ chế ba phương án xử lý đối với sản lượng điện dư được tạo ra bởi các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo trong khuôn khổ Mô Hình DPPA Qua Lưới Điện Kết Nối Riêng, tùy thuộc vào vị trí và kết cấu hạ tầng liên quan:

i. Bán cho Lưới Điện Quốc Gia (nếu được phép)

Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo được phép bán tối đa 20% sản lượng điện thực tế từ RTS cho EVN, các công ty phát điện thành viên, các Tổng công ty Điện lực (PCs) hoặc các đơn vị điện lực được ủy quyền.

Giá mua điện áp dụng là bình quân giá biên của hệ thống (SMP) do Công Ty Vận Hành Hệ Thống Điện và Thị Trường Điện Quốc Gia (NSMO) công bố. Tuy nhiên, giá này không được vượt quá mức giá trần của loại hình điện mặt trời mặt đất, hiện là 1.184,90 đồng/kWh (tương đương khoảng 4,74 xu Mỹ/kWh).

ii. Bán trong phạm vi các Khu Năng Lượng hoặc Cụm Công Nghiệp

Đối với các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo hoạt động trong các khu năng lượng, hoặc cụm công nghiệp, điện dư thừa có thể được bán cho các khách hàng sử dụng điện lớn trong cùng khu vực; hoặc các đơn vị bán lẻ điện được cấp phép.

Giá bán điện được các bên tự thỏa thuận trên cơ sở thương mại, với điều kiện là không vượt quá mức giá trần tương ứng theo khung giá điện áp dụng đối với loại hình nguồn điện tương ứng.

iii. Bán từ các nguồn điện tái tạo khác vào lưới điện quốc gia

Đối với các nguồn năng lượng tái tạo không phải điện mặt trời mái nhà (ví dụ: sinh khối, chuyển đổi chất thải thành năng lượng), các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo có thể đàm phán bán điện cho EVN hoặc các Tổng công ty Điện lực.

Giá điện và sản lượng bán phải phù hợp với khung giá điện áp dụng đối với loại hình nguồn điện tương ứng theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Nghị định 57 cũng cho phép khách hàng sử dụng điện lớn được quyền mua bổ sung điện từ các Tổng công ty Điện lực hoặc các đơn vị bán lẻ điện được ủy quyền trong khu vực nhằm bổ sung nguồn cung trong trường hợp sản lượng DPPA không đủ, và đảm bảo tính linh hoạt và an toàn năng lượng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

4. Mô Hình DPPA Thông Qua Lưới Điện Quốc Gia – Mở rộng áp dụng cho Điện Sinh Khối và các chủ thể tham gia thị trường

Nghị định 57 tiếp tục làm rõ các quy định về Mô Hình DPPA Qua Lưới Điện Quốc Gia, cho phép các giao dịch mua bán điện được thực hiện thông qua lưới điện quốc gia, không phụ thuộc vào việc điều độ hệ thống điện tập trung của EVN. Đáng chú ý, Nghị định 57 mở rộng phạm vi áp dụng sang các nhà máy điện sinh khối, bên cạnh các dự án điện mặt trời và điện gió đã được triển khai trong giai đoạn thí điểm.

Các đặc điểm chính của mô hình này bao gồm:

i. Đơn Vị Phát Điện Năng Lượng Tái Tạo (RE GENCOs):

  1. Phải có công suất lắp đặt tối thiểu 10 MW; và
  2. Phải tham gia trực tiếp vào Thị Trường Bán Buôn Điện Việt Nam (VWEM).

Các loại hình phát điện đủ điều kiện hiện nay bao gồm:

  1. Dự án điện mặt trời mặt đất;
  2. Trang trại điện gió (bao gồm cả điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi); và
  3. Nhà máy điện sinh khối.

ii. Khách Hàng Sử Dụng Điện Lớn và Đơn Vị Bán Lẻ Điện Được Ủy Quyền:

  1. Khách hàng sử dụng điện lớn được xác định tương tự như mô hình DPPA qua lưới điện kết nối riêng, tức là có sản lượng tiêu thụ bình quân từ 200.000 kWh/tháng trở lên.
  2. Đơn vị bán lẻ điện được ủy quyền là các tổ chức được phép mua điện từ các Tổng công ty Điện lực hoặc các nhà cung cấp điện khác, để bán lại cho người tiêu dùng cuối trong phạm vi khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc khu năng lượng.

 

5. So sánh tổng quan: Nghị định 57 và Nghị định 80

Loại

Nghị định 80 (2024)

Nghị định 57 (2025)

Tình trạng pháp lýCơ chế thí điểmKhung pháp lý chính thức theo Luật Điện lực 2024
Mô hình DPPACác mô hình mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện quốc gia và qua lưới điện kết nối riêngGiữ nguyên hai mô hình, với định nghĩa rõ ràng và phạm vi áp dụng rộng hơn
Định nghĩa lưới điện riêngChưa được quy định rõĐược xác định cụ thể, bao gồm RTS thuộc sở hữu của các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo
Nguồn điện đủ điều kiệnĐiện mặt trời và điện gióMở rộng thêm điện sinh khối và chuyển chất thải thành năng lượng
Tiêu chí khách hàng sử dụng điện lớn≥200.000 kWh/tháng (bình quân 12 tháng gần nhất)Giữ nguyên ngưỡng, đồng thời áp dụng cho mức tiêu thụ điện dự kiến của khách hàng mới
Xử lý điện dưCó thể bán vào lưới điện hoặc lưới nội bộ, nhưng chưa rõ cơ chế điều tiếtCơ chế được quy định rõ ràng, kèm theo giới hạn về mức trần giá điện và quy định về phương thức phân phối điện
Tham gia mô hình kết nối lướiĐơn vị phát điện năng lượng tái tạo tham gia thị trường điện bán buôn; điện mặt trời mái nhà không thuộc phạm vi áp dụngBổ sung năng lượng sinh khối; duy trì yêu cầu công suất tối thiểu 10 MW
Cơ chế định giáTham chiếu giá biên của hệ thống và mức trần giá điện nhưng chưa chi tiếtHệ thống hóa cơ chế định giá: gắn với giá biên quả hệ thống, mức trần giá điện và khung giá theo từng loại nguồn
Tính chắc chắn và khả năng thực thi pháp lýViệc thực thi còn mang tính thử nghiệmCó hiệu lực bắt buộc theo luật quản lý chuyên ngành và pháp luật về đầu tư

 

Kết luận và triển vọng

Nghị định 57 đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thiết lập cơ chế DPPA tại Việt Nam, tạo dựng một khuôn khổ pháp lý đầy đủ và có hiệu lực thi hành, cho phép các doanh nghiệp tiêu thụ điện và các nhà phát triển dự án năng lượng tái tạo chủ động tham gia vào các giao dịch điện năng trực tiếp. Việc mở rộng phạm vi nguồn năng lượng đủ điều kiện, cho phép sử dụng lưới điện riêng và tăng cường tính linh hoạt trong cơ chế định giá góp phần mở ra những cơ hội mới cho chiến lược mua sắm điện sạch và cấu trúc tài chính dự án.

Tuy vậy, quá trình triển khai trên thực tế sẽ cần được hỗ trợ bởi:

  1. Các thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương, đặc biệt liên quan đến việc đăng ký DPPA, minh bạch giá và phối hợp điều độ hệ thống điện;
  2. Đánh giá khả năng đáp ứng của hạ tầng lưới điện, cùng với sự phối hợp kỹ thuật giữa EVN và các Tổng công ty Điện lực; và
  3. Thận trọng rà soát các hợp đồng để bảo đảm tính khả thi tài chính và tuân thủ pháp luật hiện hành.

Định hướng hành động cho các chủ thể tham gia thị trường

  1. Xác định cấu trúc dự án phù hợp và hồ sơ khách hàng đủ điều kiện theo mô hình DPPA qua lưới điện riêng và DPPA thông qua lưới điện quốc gia;
  2. Chuẩn bị dự thảo Hợp đồng mua bán điện phù hợp với yêu cầu của Nghị định 57 và phản ánh cơ chế giá thị trường;
  3. Chủ động làm việc với Sở Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn cụ thể về kết nối lưới điện hoặc phê duyệt lưới điện riêng; và
  4. Theo dõi sát các cập nhật pháp lý, nhằm điều chỉnh kịp thời các giao dịch đang thực hiện theo hướng dẫn triển khai thực tiễn.

 

Quý khách vui lòng liên hệ với đội ngũ Frasers để được tư vấn và hỗ trợ pháp lý chuyên sâu trong việc thiết kế cấu trúc giao dịch hoặc rà soát các Hợp đồng DPPA theo Nghị định 57.

 

 

Tải bản tin về máy tại đây: Legal Update - Vietnam Launches Full DPPA Regime for Renewable Power (VN) - April 2025.pdf


Bài viết này chỉ cung cấp một bản tóm tắt về chủ đề được đề cập, mà không có bất kỳ nghĩa vụ nào do Công ty Luật Frasers chịu trách nhiệm. 

Bản tóm tắt không nhằm mục đích cũng như không nên dựa vào nó để thay thế cho lời khuyên pháp lý.