Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia VIII Sửa Đổi

28/04/2025 15:00

Ngày 15 tháng 4 năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 768/QĐ-TTg, thay thế và đưa ra các sửa đổi quan trọng đối với Quyết định số 500/QĐ-TTg và kế hoạch thực hiện (PDP8) đối với việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (PDP8 Sửa Đổi). 

Bản cập nhật pháp lý này nêu ra những sửa đổi và cập nhật chính đối với định hướng phát triển điện của Chính phủ và cơ cấu nguồn điện trong quá trình quy hoạch.

 

Tổng quan

Mặc dù việc phân bổ nguồn điện theo tỉnh đã được áp dụng theo PDP8, PDP8 Sửa Đổi đã tạo ra một thay đổi đáng kể bằng cách điều chỉnh thời gian quy hoạch từ giai đoạn 2021-2030 đến 2025-2030, với kỳ vọng mới cho giai đoạn 2031-2035. Việc phân bổ nguồn điện cấp tỉnh cũng cho thấy các nghiên cứu và khảo sát tiền khả thi đã được tiến hành ở các khu vực này. Điều này tạo điều kiện cho các chi tiết cụ thể của dự án có thể sẽ được cung cấp trong kế hoạch thực hiện sắp tới cho PDP8 sửa đổi do Bộ Công Thương (BCT) xây dựng.[1]

Ngoài ra, phù hợp với Luật Điện lực và Nghị định 56,[2] cần lưu ý rằng PDP8 Sửa Đổi chủ yếu đề cập đến:

  1. các dự án điện có công suất lắp đặt từ 50 MW trở lên; và
  2. các dự án điện có công suất lắp đặt dưới 50 MW nhưng đấu nối vào cấp điện áp 220 kV, đặc biệt đối với các nguồn thủy điện, điện sinh khối, điện sản xuất từ rác.

Bảng dưới đây so sánh cơ cấu nguồn điện năm 2030 của Việt Nam theo PDP8 ban đầu và PDP8 Sửa Đổi. Với quy hoạch sửa đổi đưa ra một khoảng cho các kịch bản phát triển điện, các số liệu được trình bày ở đây phản ánh kịch bản cao, thể hiện triển vọng tích cực nhất của Chính phủ về việc mở rộng công suất. 

Nguồn điện

Mục tiêu PDP8 (MW)

Mục tiêu PDP8 Sửa Đổi (tối đa) (MW)

Thay đổi (MW)

Điện gió trên bờ / gần bờ

21.880

38.029

16.149

Điện gió ngoài khơi

6.000

17.032 (đến năm 2035)

11.032

Điện mặt trời 

12.836

73.416

60.580

Điện sinh khối và điện sản xuất từ rác

2.270

4.836

2.566

Thủy điện

29.346

34.667

5.321

Thủy điện tích năng

2.400

6.000

3.600

Điện hạt nhân

6.400 (đến năm 2035)

6.400

Nguồn lưu trữ 

300

16.300

16.000

Nhiệt điện than

30.127

31.055

928

Nhiệt điện khí trong nước

14.930

14.930

Nhiệt điện LNG

22.400

22.524

124

Nhập khẩu điện

5.000 

12.100

7.100

 

Những thay đổi được đưa ra theo PDP8 Sửa Đổi cho thấy một sự thay đổi chính sách đáng kể hướng tới mục tiêu chuyển đổi năng lượng tham vọng hơn. Sự gia tăng, đặc biệt là đối với mục tiêu công suất điện mặt trời, điện gió và thủy điện, cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc ưu tiên năng lượng tái tạo trong cơ cấu điện tương lai của Việt Nam. 

 

Nguồn điện

1. Nhiệt điện than

Mặc dù PDP8 Sửa Đổi củng cố chính sách dài hạn của Việt Nam về việc dừng phát triển mới các dự án nhiệt điện than vào năm 2050, đây vẫn là nguồn điện phụ tải nền cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng trong 25 năm tới. Quy hoạch ghi nhận một số dự án nhiệt điện than đã được quy hoạch và đang xây dựng phải hoàn thành vào năm 2030. Ngoài ra, PDP8 Sửa Đổi hướng đến việc chuyển từ sử dụng than để phát điện sang sử dụng sinh khối hoặc amoniac xanh, hydrogen.

  1. Khẩn trương hoàn thành 5 dự án quan trọng trước 2030: PDP8 Sửa Đổi yêu cầu hoàn thành năm nhà máy nhiệt điện than hiện đang xây dựng, với tổng công suất trên 4.000 MW: Na Dương II, An Khánh – Bắc Giang, Vũng Áng 2, Quảng Trạch I, Long Phú 1.
  2. Thu xếp vốn và thay đổi cơ cấu chủ đầu tư đối với 3 dự án gặp khó khăn: PDP8 Sửa Đổi ghi nhận sự chậm trễ và khó khăn về đầu tư, tài chính của ba dự án nhiệt điện than Nam Định 1, Sông Hậu 2 và Vĩnh Tân 3. Mặc dù vậy, PDP8 sửa đổi mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia thị trường thông qua việc tiếp quản dự án, liên doanh hoặc mua bán và sáp nhập, tùy thuộc vào sự xem xét và phê duyệt của Chính phủ.

2. Nhiệt điện khí

Với việc chuyển hướng của Việt Nam sang sử dụng nguồn năng lượng các-bon thấp, các dự án nhiệt điện LNG đang được định vị là trụ cột trung tâm trong chiến lược điện lực của đất nước, dần thay thế nhiệt điện than trong trung và dài hạn. PDP8 Sửa Đổi củng cố điều này thông qua lộ trình phát triển các dự án nhiệt điện LNG.

Ngoài ra, PDP8 Sửa Đổi còn đề xuất một số dự án nhiệt điện LNG mới sẽ được phát triển từ năm 2025 đến năm 2030 hoặc cho đến năm 2035. Sau đây là danh mục các dự án mới này.

STT

Dự án

Công suất (MW)

Vị trí

Giai đoạn vận hành 

dự kiến

1

LNG Hải Phòng giai đoạn I

1.600

Hải Phòng

2025-2030

2

LNG Hiệp Phước giai đoạn II

1.500

HCM

2025-2030

3

LNG Long An II

1.500

Long An

2031-2035

4

LNG Công Thành

1.500

Thanh Hoá

2031-2035 (có thể đẩy lên 2026-2030)

5

LNG Hải Phòng giai đoạn II

3.200

Hải Phòng

2031-2035 (có thể đẩy lên 2025-2030)

6

LNG Vũng Áng III

1.500

Hà Tĩnh

2031-2035

7

LNG Quảng Thach III

1.500

Quảng Bình

2031-2035

 

Các dự án nhiệt điện LNG mới này có nhiều khả năng đã được đề xuất bởi các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư và phát triển nhanh chóng trong giai đoạn 2031-2035. Trong số này, LNG Công Thanh là dự án đặc biệt đáng được chú ý. Ban đầu được quy hoạch là một nhà máy nhiệt điện than, dự án đã được phê duyệt chuyển đổi sang nhiệt điện LNG với dự kiến triển khai sớm trong giai đoạn 2026-2030, trước các dự án LNG mới khác được đề xuất cho giai đoạn 2031-2035. Điều này tạo tiền lệ cho những chuyển đổi tương tự, phản ánh cam kết của chính phủ trong việc tiến tới dừng phát triển nhiệt điện than. Danh mục các nhà máy nhiệt điện LNG dự phòng với tổng công suất 7.500 MW dự kiến được phát triển từ năm 2031 đến năm 2035 cũng được đưa vào PDP8 Sửa Đổi.

PDP8 Sửa Đổi tiếp tục tái khẳng định tầm quan trọng chiến lược của cơ sở hạ tầng nhiệt điện khí trong nước với mười dự án nhiệt điện khí trong nước lớn được dự kiến triển khai hoặc vận hành trong giai đoạn 2025–2030 dưới đây.

STT

Dự án

Công suất (MW)

Vị trí

Nguồn khí

1

Nhiệt điện Ô Môn I 

660

Cần Thơ

Lô B

2

NMNĐ Ô Môn II

1.050

Cần Thơ

Lô B 

3

NMNĐ Ô Môn III

1.050

Cần Thơ

Lô B

4

NMNĐ Ô Môn IV

1.050

Cần Thơ

Lô B

5

TBKHH Dung Quất I 

750

Quảng Ngãi

Cá Voi Xanh

6

TBKHH Dung Quất II 

750

Quảng Ngãi

Cá Voi Xanh

7

TBKHH Dung Quất III 

750

Quảng Ngãi

Cá Voi Xanh

8

TBKHH Miền Trung I 

750

Quảng Nam

Cá Voi Xanh

9

TBKHH Miền Trung II 

750

Quảng Nam

Cá Voi Xanh

10

TBKHH Quảng Trị 

340

Quảng Trị

Mỏ Báo Vàng

 

Đối với các nhà đầu tư, việc hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng hiện có giúp các dự án nhiệt điện khí trong nước này dễ phát triển hơn.

3. Thủy điện

PDP8 Sửa Đổi đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong việc xử lý công nghệ thủy điện và lưu trữ năng lượng, đặc biệt là trong vai trò hỗ trợ tính ổn định của lưới điện, mục tiêu chuyển đổi năng lượng và điều hòa phụ tải.

  1. Thủy điện công suất lớn: PDP8 Sửa Đổi xác định tăng thêm 2.958 MW công suất thủy điện lớn vào năm 2030 và tăng thêm 2.049 MW vào năm 2035, theo đề xuất từ các địa phương có tiềm năng thủy điện.
  2. Thủy điện công suất nhỏ (đấu nối ở cấp điện áp 220kV): Quy hoạch bổ sung thêm 132,2 MW công suất thủy điện nhỏ trong giai đoạn 2025-2030 và thêm 60 MW trong giai đoạn 2031-2035.
  3. Thủy điện tích năng — dự trữ năng lượng chiến lược: PDP8 Sửa Đổi đưa ra công suất 7.072 MW đầy hứa hẹn cho các dự án thủy điện tích năng mới vào giai đoạn 2025-2035.

 

4. Điện gió

PDP8 Sửa Đổi nhấn mạnh điện gió là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của Việt Nam, với các dự án trên bờ và ngoài khơi.

  1. Điện gió trên bờ và gần bờ: PDP8 Sửa Đổi bổ sung các dự án điện gió trên bờ và gần bờ quan trọng trên nhiều tỉnh có tiềm năng gió tốt, dự kiến tăng lên khoảng 15.568 MW vào năm 2030.
  2. Điện gió ngoài khơi: Như một bước đột phá trong chính sách, PDP8 Sửa Đổi lần đầu tiên chính thức liệt kê các dự án điện gió ngoài khơi, sắp xếp theo khu vực phát triển và thời gian vận hành. Quy hoạch nêu ra:
  1. 12.000 MW công suất gió ngoài khơi sẽ được phát triển vào năm 2030 trên khắp các khu vực Bắc Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ; và
  2. Thêm 5.000 MW công suất cho quá trình phát triển giai đoạn 2031-2035.

Bất kể những nỗ lực này, Chính phủ đã thừa nhận những thách thức thực tế liên quan đến đầu tư điện gió ngoài khơi, bao gồm thời gian phát triển kéo dài từ 7-10 năm cho việc cấp phép và quy hoạch xây dựng.

5. Điện mặt trời

PDP8 Sửa Đổi bổ sung các dự án điện mặt trời tập trung với lộ trình mở rộng trong gian đoạn từ năm 2025 đến năm 2035. Tổng công suất bổ sung của điện mặt trời tập trung trên toàn các tỉnh được quy hoạch vào khoảng 24.283 MW vào năm 2030, với phân bổ đáng kể ở Ninh Thuận và Bình Phước.

6. Hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS)

PDP8 Sửa Đổi đưa ra danh mục các hệ thống pin lưu trữ năng lượng được phát triển riêng hoặc tích hợp với các dự án năng lượng tái tạo cụ thể với tổng công suất khoảng 320 MW vào năm 2030, với dự kiến đạt 20.287 MW vào năm 2035, theo triển vọng dài hạn. Tuy nhiên, tính khả thi của kỳ vọng này vẫn phụ thuộc nhiều vào những tiến bộ của công nghệ pin và việc giảm thiểu chi phí. Việc triển khai BESS quy mô lớn sẽ đòi hỏi đánh giá về mặt kỹ thuật, quy định và tài chính kỹ lưỡng hơn.

 

Kết luận

PDP8 Sửa Đổi đưa ra những dự kiến đầy triển vọng cho ngành điện lực Việt Nam trong thập kỷ tới. Văn bản củng cố một sự thay đổi chiến lược đối với phụ tải nền và các hệ thống lưu trữ năng lượng, đặc biệt thông qua việc mở rộng triển khai các dự án nhiệt điện khí LNG. Quy hoạch cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với quá trình chuyển đổi năng lượng bằng cách tăng đáng kể nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm các dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện sinh khối và điện sản xuất từ rác trên nhiều khu vực.

Cùng với việc xây dựng quy hoạch điện, Chính phủ cũng ưu tiên mở rộng lưới điện quốc gia, với các định hướng cụ thể để nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng hiện có, phát triển đường dây 500 kV và 220 kV mới, xây dựng mới các trạm chuyển đổi HVDC và trạm biến áp cao thế trên cả ba miền của cả nước.

Với PDP8 Sửa Đổi này, Việt Nam đang tự định vị là một trong những thị trường năng động và tiềm năng nhất Đông Nam Á, với triển vọng thuận lợi cho cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong 5-10 năm tới.

 

Vui lòng liên hệ với đội ngũ của chúng tôi tại Frasers để được tư vấn về chiến lược hoặc giao dịch cụ thể liên quan đến PDP8 Sửa Đổi.


Tải bản tin về máy tại đây: Legal Update - The Revised PDP8 (VN) - April 2025.pdf


[1] Công văn số 2747/BCT-ĐL ngày 18 tháng 4 năm 2025 của BCT về việc xây dựng kế hoạch thực hiện Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và triển khai thực hiện Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.

[2] Điều 4 Nghị định 56/2025/NĐ-CP ngày 03/3/2025 quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đầu tư xây dựng dự án điện lực và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án kinh doanh điện lực.

 

Bài viết này chỉ cung cấp một bản tóm tắt về chủ đề được đề cập, mà không có bất kỳ nghĩa vụ nào do Công ty Luật Frasers chịu trách nhiệm. 

Bản tóm tắt không nhằm mục đích cũng như không nên dựa vào nó để thay thế cho lời khuyên pháp lý.