Luật Dữ Liệu Đầu Tiên của Việt Nam
07/01/2025 14:00
Vào ngày 30 tháng 11 năm 2024, Quốc Hội đã chính thức ban hành Luật Dữ Liệu đầu tiên của Việt Nam (Luật Dữ Liệu), có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2025. Luật Dữ Liệu điều chỉnh dữ liệu số, sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu số, bên cạnh những nội dung khác. Luật Dữ Liệu áp dụng cho tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Luật Dữ Liệu cũng áp dụng đối với các thực thể nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động dữ liệu số tại Việt Nam. Với phạm vi áp dụng rộng như trên, Luật Dữ Liệu dự kiến sẽ có tác động lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dữ liệu số tại Việt Nam. Trong bản tin cập nhật pháp luật này, chúng tôi sẽ nêu những điểm đáng chú ý của Luật Dữ Liệu.
1. Cung cấp dữ liệu cho cơ quan nhà nước
Luật Dữ Liệu khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cung cấp dữ liệu thuộc quyền sở hữu của mình cho cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, tổ chức, cá nhân phải cung cấp dữ liệu theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền mà không cần chủ thể dữ liệu đồng ý. Những trường hợp này bao gồm:
(a) Ứng phó với tình trạng khẩn cấp;
(b) Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp;
(c) Thảm họa; và
(d) Phòng, chống bạo loạn, khủng bố.
Khi tiếp nhận dữ liệu, cơ quan nhà nước có trách nhiệm sau:
(a) Sử dụng dữ liệu đúng mục đích;
(b) Bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, lợi ích hợp pháp khác của chủ thể dữ liệu, tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu theo quy định của pháp luật;
(c) Hủy dữ liệu ngay khi dữ liệu đó không còn cần thiết cho mục đích đã yêu cầu và thông báo cho chủ thể dữ liệu, tổ chức, cá nhân đã cung cấp dữ liệu; và
(d) Thông báo việc lưu trữ, sử dụng dữ liệu khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu, trừ trường hợp bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật công tác.
Tuy nhiên, Luật Dữ Liệu hiện nay vẫn chưa rõ ràng về phạm vi dữ liệu có thể được yêu cầu cung cấp, dẫn đến khả năng diễn giải rằng tất cả dữ liệu số, bao gồm cả bí mật kinh doanh đều có thể bị yêu cầu tiết lộ với cơ quan nhà nước. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa nghĩa vụ pháp lý và nhu cầu bảo vệ các thông tin bí mật của mình.
2. Chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới
Theo Luật Dữ Liệu, khi chuyển và xử lý dữ liệu quan trọng, dữ liệu cốt lõi xuyên biên giới, việc chuyển và xử lý dữ liệu phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định, bao gồm bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu, chủ sở hữu dữ liệu theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Yêu Cầu Về Chuyển Và Xử Lý Dữ Liệu Xuyên Biên Giới).
Việc chuyển và xử lý dữ liệu quan trọng và dữ liệu cốt lõi xuyên biên giới có thể được thực hiện bằng các phương thức sau:
(a) Chuyển dữ liệu đang lưu trữ tại Việt Nam tới hệ thống lưu trữ dữ liệu đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam;
(b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam chuyển dữ liệu cho tổ chức, cá nhân nước ngoài;
(c) Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam sử dụng nền tảng ngoài lãnh thổ Việt Nam để xử lý dữ liệu.
Cần lưu ý rằng:
(a) Dữ liệu quan trọng được định nghĩa là dữ liệu có thể tác động đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội, sức khỏe và an toàn cộng đồng thuộc danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
(b) Dữ liệu cốt lõi được xác định là dữ liệu quan trọng trực tiếp tác động đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội, sức khỏe và an toàn cộng đồng thuộc danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Hiện tại, vẫn chưa rõ dữ liệu cụ thể nào đủ điều kiện được coi là dữ liệu quan trọng hoặc dữ liệu cốt lõi vì Thủ Tướng Chính Phủ chưa ban hành các danh mục này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc xác định cách thức tuân thủ Yêu Cầu Về Chuyển Và Xử Lý Dữ Liệu Xuyên Biên Giới, do tính chất chưa rõ ràng của các yêu cầu này.
3. Giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ về dữ liệu
Luật Dữ Liệu quy định các sản phẩm và dịch vụ về dữ liệu như sau:
(a) Sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu
Sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu là sản phẩm, dịch vụ nhằm thiết lập mối quan hệ thương mại giữa chủ thể dữ liệu, chủ sở hữu dữ liệu và bên sử dụng sản phẩm, dịch vụ, thông qua thỏa thuận nhằm mục đích trao đổi, chia sẻ, truy cập dữ liệu, thực hiện các quyền của chủ thể dữ liệu, chủ sở hữu dữ liệu, người dùng dữ liệu.
(b) Sản phẩm, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu
Sản phẩm phân tích, tổng hợp dữ liệu là kết quả của quá trình phân tích, tổng hợp dữ liệu thành thông tin chuyên sâu hữu ích ở các cấp độ khác nhau theo yêu cầu của bên sử dụng sản phẩm. Dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu là hoạt động phân tích, tổng hợp dữ liệu theo yêu cầu của bên sử dụng dịch vụ.
(c) Sàn dữ liệu
Sàn dữ liệu là nền tảng cung cấp tài nguyên liên quan đến dữ liệu để phục vụ nghiên cứu, phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; là môi trường để giao dịch, trao đổi dữ liệu và các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu.
(d) Dịch vụ xác thực điện tử
Dịch vụ xác thực điện tử thực hiện xác thực dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống định danh.
Trong khi các sản phẩm, dịch vụ được nêu tại mục (a) và (b) có thể được cung cấp bởi các tổ chức tư nhân, thì các sản phẩm, dịch vụ được nêu tại mục (c) và (d) chỉ có thể được cung cấp bởi các đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.
Tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu phải được đăng ký hoạt động và quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ trường hợp cung cấp sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu trong nội bộ tổ chức. Tổ chức kinh doanh sản phẩm, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu có thể gây nguy hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng phải đăng ký hoạt động và quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư.
4. Luật Dữ Liệu và Dự Thảo Luật Bảo Vệ Dữ Liệu Cá Nhân (Luật BVDLCN)
Luật Dữ Liệu khác với Luật BVDLCN – văn bản này hiện vẫn đang trong giai đoạn dự thảo. Luật BVDLCN chủ yếu điều chỉnh dữ liệu cá nhân, được định nghĩa là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể. Trong khi đó, Luật Dữ Liệu điều chỉnh dữ liệu số, được định nghĩa là dữ liệu về sự vật, hiện tượng, sự kiện, bao gồm một hoặc kết hợp các dạng âm thanh, hình ảnh, chữ số, chữ viết, ký hiệu được thể hiện dưới dạng kỹ thuật số. Như vậy, khác với Luật BVDLCN, Luật Dữ Liệu điều chỉnh các vấn đề về dữ liệu ở phạm vi rộng hơn, không giới hạn ở dữ liệu cá nhân.
Tải bản tin về máy tại đây: Bản cập nhật Pháp luật - Luật Dữ Liệu Đầu Tiên của Việt Nam
Bài viết này chỉ cung cấp một bản tóm tắt về chủ đề được đề cập, mà không có bất kỳ nghĩa vụ nào do Công ty Luật Frasers chịu trách nhiệm.
Bản tóm tắt không nhằm mục đích cũng như không nên dựa vào nó để thay thế cho lời khuyên pháp lý.