Nghị Định 135/2024/NĐ-CP về Điện Mặt Trời Mái Nhà

18/12/2024 15:00

Tiếp nối việc ban hành Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy Hoạch Điện VIII), và Kế Hoạch Thực Hiện Quy Hoạch Điện VIII, Chính Phủ Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền đang tích cực phát triển và hoàn thiện khung pháp lý cho ngành điện, đặt mục tiêu thực hiện đúng tiến độ Quy Hoạch Điện VIII theo Phụ lục I. Quy Hoạch Điện VIII và Kế Hoạch Thực Hiện Quy Hoạch Điện VIII đặt chỉ tiêu tổng công suất điện mặt trời mái nhà tự cung cấp, tự sản xuất là 2,600MW đến năm 2030. Tổng công suất này được phân bổ cụ thể theo các tỉnh và địa phương tại Kế Hoạch Thực Hiện Quy Hoạch Điện VIII (Công Suất Phân Bổ).

Vào ngày 22 tháng 10 năm 2024, Chính Phủ Việt Nam đã ban hành văn bản được chờ đợi từ lâu là Nghị Định số 135/2024/NĐ-CP (Nghị Định 135), tạo ra cơ chế và một khung pháp lý rõ ràng hơn cho các dự án điện mặt trời mái nhà (MTMN) tự sản xuất, tự tiêu thụ. Những dự án này đã bị trì hoãn một vài năm sau khi cơ chế trợ giá điện (fit-in-tariff) dành cho dự án điện mặt trời có đấu nối với hệ thống điện quốc gia được quy định trong Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg hết hiệu lực. Bản cập nhật pháp lý này phân tích một số điểm đáng chú ý trong Nghị Định 135.

Mô hình phát triển

Nghị định 135 đưa ra hai mô hình phát triển cho dự án điện MTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ. Trước khi tìm hiểu chi tiết về các mô hình này, cần lưu ý cụm từ “tự sản xuất và tự tiêu thụ” đề cập đến dự án năng lượng được phát triển bởi các tổ chức, cá nhân để phục vụ cho nhu cầu năng lượng của các tổ chức, cá nhân đó, khác với dự án mà mục tiêu chính là bán điện và thu lợi nhuận. Hai mô hình này bao gồm hệ thống có đấu nối hoặc có liên kết vật lý với hệ thống điện quốc gia (Mô Hình Có Đấu Nối) và hệ thống không đấu nối hoặc không có liên kết vật lý với hệ thống điện quốc gia (Mô Hình Không Đấu Nối). Mỗi mô hình đòi hỏi người sử dụng đáp ứng các điều kiện và yêu cầu cụ thể được quy định trong nghị định. Dưới đây là một số điểm khác nhau cơ bản giữa hai mô hình này:

(i) Mô Hình Không Đấu Nối: mô hình hệ thống điện MTMN này không phát điện vào hệ thống điện quốc gia và chỉ phục vụ nhu cầu sử dụng điện của người sử dụng hệ thống điện. Công suất của dự án theo mô hình này có thể không giới hạn và không bắt buộc phải nằm trong Công Suất Phân Bổ của tỉnh và địa phương liên quan.

(ii) Mô Hình Có Đấu Nối: mô hình hệ thống điện MTMN này cho phép người sử dụng có thể bán và phát điện dư vào lưới điện quốc gia. Người sử dụng mô hình này cần phải:

a. bảo đảm công suất phát triển nhỏ hơn hoặc bằng tổng công suất lắp đặt của phụ tải hiện có;

b. trang bị các thiết bị, phương tiện kết nối với hệ thống thu thập, giám sát, điều khiển theo yêu cầu kỹ thuật của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) nếu dự án có công suất từ 100kW trở lên; và 

c. trong các trường hợp nhất định, xin cấp giấy phép hoạt động điện lực và các chấp thuận cần thiết để thực hiện thủ tục về quy hoạch điện lực (trừ trường hợp công suất đã nằm trong Công Suất Phân Bổ của tỉnh và địa phương liên quan).

Sở hữu hệ thống điện MTMN

Vấn đề tranh luận kéo dài về sở hữu đối với hệ thống điện MTMN dường như đã được Nghị Định 135 làm rõ khi không đưa ra yêu cầu cụ thể rằng người sử dụng điện MTMN phải sở hữu hệ thống điện MTMN. Điều này mở ra cơ hội cho người sử dụng điện MTMN là chỉ cần đơn thuần “thuê” hệ thống điện MTMN từ một bên thứ ba, thay vì phải bỏ chi phí đầu tư lớn ban đầu.

Bán điện dư cho EVN 

Đối với dự án điện MTMN Có Đấu Nối, người sử dụng đủ điều kiện sẽ được phép bán cho EVN lượng điện dư lên tới 20% công suất lắp đặt của hệ thống điện MTMN tương ứng của người sử dụng, theo những điều kiện sau:

(i) giá bán điện bằng giá điện năng thị trường điện bình quân trong năm trước liền kề; và

(ii) thời hạn của hợp đồng mua bán điện là năm (05) năm kể từ ngày hệ thống điện MTMN được đưa vào vận hành.

Người sử dụng đủ điều kiện bán điện dư bao gồm:

(i) người sử dụng là hộ gia đình hoặc nhà ở riêng lẻ (Người Sử Dụng Dân Cư) có hệ thống điện MTMN với công suất dưới 100kW; và

(ii) tất cả Người Sử Dụng Dân Cư và các tổ chức, cá nhân khác có hệ thống điện MTMN với công suất nằm trong Công Suất Phân Bổ, trừ các hệ thống điện MTMN được lắp đặt trên mái nhà công sở hoặc công trình được xác định là tài sản công.

Công Suất Phân Bổ

Nghị định 135 không yêu cầu dự án theo Mô Hình Không Đấu Nối phải có công suất nằm trong Công Suất Phân Bổ của tỉnh và địa phương liên quan. Người Sử Dụng Dân Cư cũng không cần phải có công suất thuộc Công Suất Phân Bổ, nếu có hệ thống điện MTMN với công suất dưới 100kW.

Dự án với công suất từ 100kW trở lên cần phải nằm trong Công Suất Phân Bổ nếu thực hiện bán điện dư.

Miễn Giấy phép hoạt động điện lực

Người sử dụng hệ thống điện MTMN được miễn Giấy phép hoạt động điện lực, trừ trường hợp người sử dụng có hệ thống điện MTMN có kết nối với công suất từ 1,000kW trở lên và bán điện dư cho EVN.

Yêu cầu về thông báo

Dự án điện MTMN Không Đấu Nối phải thực hiện thông báo về công suất và địa điểm thực hiện với Sở Công Thương, đơn vị điện lực, cơ quan quản lý về xây dựng, và cơ quan phòng cháy, chữa cháy có thẩm quyền tại địa phương.

Dự án điện MTMN Có Đấu Nối và có công suất dưới 1,000kW, có trách nhiệm thông báo với Sở Công Thương, đơn vị điện lực địa phương, cơ quan quản lý về xây dựng, và cơ quan phòng cháy, chữa cháy tại địa phương.

Yêu cầu về đăng ký

Người sử dụng hệ thống điện MTMN Có Đấu Nối, có công suất từ 1,000kW trở lên, và bán điện dư cho EVN, có trách nhiệm đăng ký với Sở Công thương tại địa phương để được cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Phát Triển và giấy chứng nhận này có thể bị thu hồi trong một số trường hợp, trong đó có trường hợp mà người sử dụng không lắp đặt hệ thống điện MTMN trong vòng 60 ngày kể từ ngày hoàn thành lắp đặt được ghi trong giấy chứng nhận đó.

Khuyến khích đầu tư

Nghị định 135 quy định một số chính sách khuyến khích phát triển dự án điện MTMN, bao gồm:

(i) Người sử dụng không bắt buộc phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất của nơi lắp đặt hệ thống điện MTMN;

(ii) Người sử dụng được hưởng các ưu đãi về thuế và phí theo quy định của pháp luật về thuế; và

(iii) Người sử dụng là hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện MTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn hoặc không phải điều chỉnh Giấy phép kinh doanh.

Kết luận

Nghị định 135 đóng vai trò là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của các dự án điện MTMN tại Việt Nam, hoàn thiện khung pháp lý và tạo ra các chính sách khuyến khích các sáng kiến năng lượng bền vững. Cùng với Nghị định số 80/2024/NĐ-CP về mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và người sử dụng điện lớn, đây là bước tiến lớn đúng hướng của cơ chế pháp lý Việt Nam để đạt được mục tiêu bền vững năng lượng của Quốc Gia.

Tải bản tin về máy tại đây: Bản cập nhật pháp lý - Nghị Định 135/2024/NĐ-CP về Điện Mặt Trời Mái Nhà


Bài viết này chỉ cung cấp một bản tóm tắt về chủ đề được đề cập, mà không có bất kỳ nghĩa vụ nào do Công ty Luật Frasers chịu trách nhiệm. 

Bản tóm tắt không nhằm mục đích cũng như không nên dựa vào nó để thay thế cho lời khuyên pháp lý.